Năm 2009, khi tôi đến Việt Nam đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chương trình quốc gia của PATH, Việt Nam lúc đó đang bước vào một giai đoạn chuyển tiếp phi thường, từ một quốc gia có thu nhập thấp, đói nghèo phổ biến, nhu cầu y tế khó khăn trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất trên thế giới.
Là một quốc gia thu nhập trung bình-thấp, Việt Nam phải đối mặt với cả các thách thức và cơ hội mới; trong khi chính phủ bắt đầu tập trung nguồn lực chi tiêu cho y tế, thì các nhà tài trợ quốc tế bắt đầu rút khỏi Việt Nam để tập trung vào các nước có nhu cầu cao hơn, nhưng nguồn lực hạn chế hơn.
Có mặt tại Việt Nam sớm nhất trong số hơn 70 quốc gia, PATH đã, đang lớn mạnh và chuyển mình cùng với thay đổi năng động của đất nước này.
Ban đầu chúng tôi tập trung vào cải thiện việc tiếp cận kế hoạch hóa gia đình, sau đó các dự án của PATH đã mở rộng hơn rất nhiều, bao gồm một loạt các sáng kiến và hợp tác để giải quyết các vấn đề bệnh tật như HIV, bệnh lao, bệnh không lây nhiễm, công cụ y tế kỹ thuật số, phát triển và chuyển giao các loại vắc-xin, cũng như sức khỏe của bà mẹ, trẻ em và dinh dưỡng.
Thời điểm để chúc mừng
Vào ngày 8 tháng 12 năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm PATH có mặt tại Việt Nam với hơn 350 khách mời đến từ Chính phủ Việt nam, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhà tài trợ, và những đối tác khác.
Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y Tế, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của PATH toàn cầu, Steve Davis sẽ có bài phát biểu giới thiệu các sáng kiến bảo vệ cuộc sống mà chúng tôi đã giúp phát triển và ứng dụng; qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe của hàng triệu người trên khắp đất nước.
Tiến trình và cơ hội ở Việt Nam
Năm 1980, PATH bắt đầu hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam và thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong khu vực. Với thu nhập bình quân đầu người dưới $100, một nền kinh tế non trẻ với hệ thống y tế còn nghèo nàn, Việt Nam lúc đó phải vật lộn để hiện đại hóa và giải quyết các nhu cầu y tế bức thiết của người dân.
Việt Nam hiện nay là một thị trường đang nổi, một tinh thần dám nghĩ, dám làm và có sự tăng trưởng mạnh liên tục, với thu nhập bình quân đầu người hơn $2000. Với tỷ lệ nghèo đói đã giảm mạnh từ 75% trong thập niên 1980 xuống còn 3% hiện nay, Việt Nam đã đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế, giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tăng độ bao phủ tiêm chủng.
PATH đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển này. Năm 1997, chúng tôi mở văn phòng đầu tiên ở Hà Nội với 4 nhân viên. Hiện nay, chúng tôi đã có hơn 50 nhân viên ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi hoạt động như một trung tâm khu vực điều phối các dự án tại Myanmar, Campuchia và Lào.
Chúng tôi rất tự hào về những đóng góp của mình trong các lĩnh vực an toàn cho bà mẹ, tiếp cận vắc-xin, dự phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Ví dụ, trong những năm qua, chúng tôi đã giúp phát hiện hơn 12,000 ca mắc lao mới thông qua mở rộng tiếp cận Chương trình phòng chống lao quốc gia và hỗ trợ Bộ Y Tế xây dựng chính sách gắn kết sự tham gia của khối tư nhân trong việc kiểm soát bệnh lao.
Một cố vấn tin cậy, một đối tác cộng đồng
Được đánh giá là một đối tác đáng tin cậy, lâu dài của Chính phủ Việt Nam, PATH thường xuyên đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác công-tư, nhằm thúc đẩy sự phát triển và chuyển giao giải pháp công nghệ và cách thức tiếp cận mới có tính sáng tạo trong lĩnh vực y tế.
Trong khi nhiều tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam tập trung cung cấp dịch vụ ở cơ sở, PATH chứng tỏ sự khác biệt của mình thông qua các hoạt động đa chiều từ cấp cộng đồng đến quốc gia, điều này giúp chúng tôi có thể tác động đến chính sách và các nhà hoạch định chính sách nhằm huy động các nguồn lực y tế và nhân rộng kết quả.
TS. Vũ Hương- một trong những nhân viên đầu tiên của PATH tại Việt Nam, đã giúp chúng tôi xây dựng chiến lược quốc gia.
“Chúng tôi hợp tác với các đối tác công và tư nhằm xây dựng một mô hình hoạt động hiệu quả, điều này giúp chúng tôi trả lời câu hỏi: Làm thế nào có thể phát triển vắc-xin hoặc phát hiện các ca nhiễm lao mới hiệu quả hơn? Đồng thời chúng tôi kết nối với nhà hoạch định chính sách nhằm trao đổi thông tin về tiến trình làm việc và hợp tác để nhân rộng các sáng kiến.” TS. Hương, Giám đốc kỹ thuật của PATH khu vực Mekong, chia sẻ.
Cam kết của chúng tôi với Việt Nam Our commitment to Vietnam
Mặc dù ở Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm vẫn còn là mối hiểm họa chính đến sức khỏe, vẫn có một thách thức khác đang nổi lên. Sự khá giả dần lên của tầng lớp trung lưu và những thay đổi lối sống dẫn đến những vấn đề sức khỏe mới hiện nay, đó là các bệnh không lây nhiễm, chẳng hạn tăng huyết áp, tiểu đường, và ung thư; những bệnh này đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Sáng kiến phòng chống tăng huyết áp – dự án Cộng đồng vì trái tim khỏe, do Quỹ Novartis tài trợ, sẽ cho phép chúng tôi thử nghiệm các mô hình mới về hợp tác công-tư, sử dụng truyền thông xã hội và nền tảng công nghệ thông tin để giải quyết thách thức này.
Chúng tôi rất mong đợi những kết quả tốt đẹp trong tương lai ở Việt Nam và qua đó có thể áp dụng những bài học này cho các nước khác ở Châu Á và trên thế giới. PATH cam kết sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Việt Nam, một đất nước đang tiếp tục hành trình phát triển của mình và trở thành một trung tâm của các giải pháp sáng tạo, mà những giải pháp này có khả năng cải thiện sức khỏe cho người dân trên toàn thế giới.